Kinh tế Liêu_Ninh

Liêu Ninh là nền kinh tế lớn nhất Đông Bắc Trung Quốc. Năm 2011, tổng GDP của tỉnh Liêu Ninh là 2.202,59 tỉ NDT, theo giá cả so sánh thì đạt mức tăng trưởng 12,1% so với năm trước, GDP bình quân đầu người đạt 50.299 NDT. Trong đó, khu vực một đạt giá trị 191,56 tỉ NDT, khu vực hai đạt giá trị 1.215,07 tỉ NDT và khu vực ba đạt giá trị 795,96 tỉ NDT. Tỷ lệ giữa ba khu vực của nền kinh tế là 8,7:55,2:36,1.[32]

Một trung tâm mua sắm tại Đại Liên

Tổng giá trị các ngành nông-lâm-mục-ngư nghiệp của tỉnh Cát Lâm vào năm 2011 là 191,56 tỉ NDT. Trong đó, ngành trồng trọt đạt giá trị 78,97 tỉ NDT, ngành lâm nghiệp đạt giá trị 6,27 tỉ NDT, ngành chăn nuôi đạt giá trị 61,45 tỉ NDT và ngành ngư nghiệp đạt giá trị 36,53 tỉ NDT. Năm 2011, tổng sản lượng lương thực của tỉnh Liêu Ninh là 20.355.000 tấn, tổng sản lượng rau xanh và quả của tỉnh trong năm này lần lượt là 28.325.000 tấn và 8.112.000 tấn.[32] Diện tích đất canh tác của tỉnh Liêu Ninh là 4.092.900 ha, chiếm 27,65% diện tích toàn tỉnh, trong đó có khoảng trên dưới 80% phân bố tại khu vực đồng bằng trung bộ Liêu Ninh và vùng đồi cùng thung lũng phía bắc Liêu Tây.[29] Theo số liệu năm 2000, toàn tỉnh Liêu Ninh có 6.344.000 đất sử dụng cho mục đích lâm nghiệp, chủ yếu phân bố ở đông bộ tỉnh, trong đó có 4.641.000 ha đất rừng (gồm 1.514.000 ha rừng kinh tế).[29] Tỉnh Liêu Ninh có 350.100 ha diện tích đồng cỏ, chủ yếu phân bố tại tây bắc bộ, tạo điều kiện để phát triển ngành chăn nuôi gia súc. Năm 2011, sản lượng thịt lợn, bò, cừu và gia cầm của tỉnh Liêu Ninh là 4.010.000 tấn; sản lượng trứng gia cầm đạt 2.774.000 tấn, và sản lượng sữa bò đạt 1.245.000 tấn.[32] Tỉnh Liêu Ninh có tiềm năng về thủy hải sản, sản lượng thủy hải sản cấp hai vùng biển ven bờ đạt 3,2 triệu tấn, sản lượng thủy hải sản tiềm năng tại vùng ven biển là 1,5 triệu tấn, sản lượng thủy hải sản tiềm năng ở vùng biển sâi là 700 nghìn tấn.[29] Năm 2011, sản lượng thủy sản (không bao gồm sản lượng viễn dương) của tỉnh Liêu Ninh là 4.354.000 tấn, trong đó sản lượng thủy sản nước ngọt là 857.000 tấn, sản lượng đánh bắt thủy sản tại hải dương là 1.062.000 tấn, sản lượng nuôi trồng thủy sản tại hải dương là 2.435.000 tấn.[32]

Liêu Ninh là một khu vực công nghiệp quan trọng của Trung Quốc. Bốn ngành công nghiệp trụ cột của tỉnh Liêu Ninh là hóa dầu, luyện kim, thông tin điện tử và máy móc. Năm 2011, giá trị ngành công nghiệp và xây dựng của tỉnh Liêu Ninh đạt 1,07 nghìn tỉ NDT, theo giá cả so sánh thì đạt mức tăng trưởng 14,3% so với năm trước. Trong đó ngành công nghiệp chế tạo chiếm tỷ trọng 31,8% trong tổng giá trị công nghiệp của tỉnh Liêu Ninh, các sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp chế tạo của tỉnh Liêu Ninh là thiết bị thông dụng, thiết bị chuyên dụng, thiết bị giao thông vận tải, máy điện, thiết bị thông tin, máy tính, và các thiết bị điện tử khác, chế phẩm kim loại, dụng cụ. Trong lĩnh vực chế biến nông sản, bên cạnh lĩnh vực chế biến thực phẩm còn có sản xuất thuốc lá, sản xuất đồ uống.[32]

Tính đến năm 2007, người ta đã phát hiện được 110 loại khoáng sản trên địa phàn tỉnh Liêu Ninh, trong đó đã xác định được trữ lượng của 79 loại. Liêu Ninh đứng số một tại Trung Quốc về trữ lượng quặng sắt, quặng Bo, quặng Magnesite; đứng thứ hai về trữ lượng kim cương, tan, ngọc thạch. Năm 2007, trữ lượng dầu và khí thiên nhiên của mỏ Liêu Hà chiếm 6,4% và 0,7% trữ lượng của toàn Trung Quốc.[23]